Tại sao lại sử dụng chuỗi 108 hạt mà không phải con số nào khác?

Từ ngàn xưa, chuỗi tràng hạt đã trở thành một biểu tượng tâm linh quen thuộc trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt là Phật giáo. Với 108 hạt nhỏ xinh, chuỗi tràng hạt không chỉ là một vật dụng để đếm niệm mà còn ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc về triết lý và cuộc sống. Qua bài viết sau đây, chúng ta hãy cùng Sunflower Academy tìm hiểu tại sao lại sử dụng chuỗi 108 hạt, mà không phải con số nào khác

Tại sao lại sử dụng chuỗi 108 hạt mà không phải con số nào khác?

Nguồn gốc lịch sử của tràng hạt. 

Tràng hạt ra đời từ khi nào và xuất hiện trong những nền văn hóa nào? Tràng hạt (Japamala hay ngắn gọn là mala), là một vật dụng tâm linh quen thuộc trong nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, đã đồng hành cùng nhân loại qua hàng ngàn năm. Vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, tràng hạt xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Ban đầu được các tín đồ Bà La Môn (Brahmana) sử dụng như một công cụ hỗ trợ việc tụng niệm và thiền định. Khi Phật giáo ra đời, tràng hạt được Đức Phật và các đệ tử kế thừa và nâng tầm ý nghĩa, trở thành một pháp khí quan trọng trong quá trình tu tập. 

Theo kinh điển Phật giáo, câu chuyện về Đức Phật và Vua Ba Lưu Ly trong Kinh Mộc Hoạn Tử, cuốn kinh số 786 trong Đại Tạng Kinh, được xem là nguồn gốc của việc sử dụng chuỗi hạt và hành động niệm Phật. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng, khởi đầu cho truyền thống sử dụng tràng hạt trong Phật giáo cho đến ngày nay. Ban đầu, tràng hạt được dùng để đếm số lần niệm Phật, giúp người tu tập tập trung tâm trí. Dần dần, nó trở thành biểu tượng thiêng liêng, gắn liền với hình ảnh của các vị Phật, Bồ Tát trong tín ngưỡng Phật giáo. 

Trải qua thời gian, tràng hạt không chỉ đa dạng về chất liệu mà còn phong phú về ý nghĩa tâm linh. Mỗi loại hạt, dù là hạt bồ đề, hạt Kim Cang, gỗ quý, đá quý… với số lượng hạt khác nhau đều mang đến một thông điệp riêng, tùy thuộc vào triết lý, văn hóa và truyền thống của từng vùng miền. Hiện nay tràng hạt đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, được nhiều người sử dụng để hỗ trợ cho việc tu tập, thiền định và thậm chí là làm đồ trang sức.

Như vậy, nguồn gốc của tràng hạt là một hành trình dài, gắn liền với sự phát triển của nhiều nền văn hóa. Việc tìm hiểu về lịch sử của tràng hạt không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa tâm linh của vật dụng này mà còn khám phá ra những nét đẹp văn hóa độc đáo của nhân loại.

Các loại chuỗi hạt được sử dụng phổ biến. 

Ngoài 108 hạt, còn có những loại chuỗi hạt khác không và được sử dụng trong trường hợp nào? Bên cạnh chuỗi tràng hạt phổ biến 108 hạt, Phật giáo còn ghi nhận nhiều loại chuỗi khác nhau với số lượng hạt đa dạng. Sự khác biệt về số lượng hạt này không phải ngẫu nhiên mà ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc về mặt Phật học, gắn liền với quá trình tu tập và trình độ của người hành giả.

Theo các kinh điển Phật giáo, số lượng hạt trong chuỗi tràng hạt thường được phân chia theo các cấp bậc tu hành. Cụ thể như sau:

  • Kinh Mộc Hoạn TửKinh Đà La Ni: Đều ghi nhận chuỗi có 108 hạt.
  • Kinh Đà La Ni: Ngoài 108 hạt, còn có chuỗi 54 hạt, 42 hạt và 21 hạt.
  • Kinh Sổ Châu Công Đức: Ghi nhận chuỗi có 108 hạt, 54 hạt, 27 hạt và 14 hạt.
  • Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Niệm Tụng: Phân chia số lượng hạt theo cấp bậc tu hành, đối với bậc thượng 1080 hạt hoặc 108 hạt, bậc trung 54 hạt, bậc hạ 27 hạt.
  • Kinh Văn Thù Nghi Quỷ, phẩm Sổ Châu Nghi Tắc: Cũng phân chia số lượng hạt theo cấp bậc tu hành, đối với bậc thượng 108 hạt, bậc trung 54 hạt, bậc hạ 27 hạt, cao nhất 1080 hạt.

Có thể nói rằng, việc lựa chọn chuỗi tràng hạt không chỉ đơn thuần là sở thích cá nhân mà còn thể hiện sự hiểu biết về Phật giáo và quá trình tu tập của mỗi người. Một khi lựa chọn và sử dụng chuỗi tràng hạt phù hợp sẽ giúp chúng ta đạt được hiệu quả cao hơn trong việc tu tập.

Ý nghĩa của con số 108 hạt trong Phật giáo. 

Có những cách giải thích khác nhau nào về ý nghĩa của con số 108 trong Phật giáo? Theo quan niệm Phật giáo, con người bị ràng buộc bởi vô vàn phiền não, tham sân si. Số 108 được xem như một con số tượng trưng cho tổng số các loại phiền não mà con người phải đối mặt. 

Cụ thể, Con người có 06 giác quan, bao gồm Mắt – Tai – Mũi – Miệng – Thân – Ý, trong Phật giáo gọi là sáu căn. Tương ứng với 06 đối tượng nhận thức, gọi là sáu cảnh, hoặc người đời thường gọi là sáu trần, bao gồm là Sắc – Thanh – Hương – Vị – Xúc – Pháp. Sự tương tác giữa sáu căn và sáu trần sinh ra 06 Thức, là Nhãn Thức – Nhĩ Thức – Tỷ thức – Thiệt Thức – Thân Thức – Ý Thức, tạo nên những trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta. 

Cụ thể, Mắt thì nhìn Sắc, Tai nghe Âm Thanh, Mũi thì ngửi Mùi, Miệng lưỡi thì nếm Vị, Thân thì Xúc chạm, Ý thì có sự Phân Biệt. Như vậy 06 căn, 06 cảnh, 06 thức hợp lại là thành 18 cảnh giới, khiến cho con người bị cuốn theo, buồn vui, chao đảo, lên xuống. Rồi 18 cảnh giới này, khi hợp duyên với 06 thứ căn bản gây chướng ngại cho con người, đó là Tham – Sân – Si – Mạn – Nghi – Ác Kiến. Từ đây, chúng ta có phép tính 18 x 6 = 108. Chính vì vậy, chuỗi 108 hạt tượng trưng cho hành trình vượt qua 108 phiền não để đạt đến giác ngộ.

Ngoài ra, con số 108 còn mang nhiều ý nghĩa khác. Trong thiên văn học, nó thể hiện mối quan hệ giữa Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng. Trong chiêm tinh học, con số này liên quan đến các chu kỳ và vòng quay của vũ trụ. Điều này cho thấy trong lĩnh vực tâm linh, con số 108 là biểu tượng cho sự hoàn thiện, sự cân bằng và sự liên kết giữa con người với vũ trụ. Khi hiểu rõ ý nghĩa của con số 108 sẽ giúp chúng ta trân trọng hơn giá trị của chuỗi tràng hạt.

Các loại hạt thường được sử dụng để làm chuỗi hạt. 

Có những loại vật liệu nào được ưa chuộng nhất hiện nay trong chế tác chuỗi hạt? Trong kinh điển Phật giáo, đặc biệt là bài Kệ của Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát, chúng ta tìm thấy những ghi chép chi tiết về các loại hạt như xà cừ, gỗ quý, kim loại, thủy tinh, và đặc biệt là hạt Bồ đề, hạt Kim cang, hạt sen. Mỗi loại hạt đều mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Xà cừ niệm châu một bội phước.

Gỗ quý niệm châu hai bội phước.

Lấy thiết làm châu ba bội phước,

Thục đồng làm châu bốn bội phước.

Thủy tinh chơn châu và các bảo, 

Thứ ấy niệm châu trăm bội phước.

Ngàn bội công đức Ðế Thích hột,

Kim Cang hạt châu trăm ức phước.

Sen hạt niệm châu ngàn trăm ức,

Bồ đề hạt châu vô số phước.

Qua bài Kệ trên, chúng ta có thể nhận ra một số vật liệu phổ biến trong chế tác chuỗi hạt, như sau:

  • Hạt Bồ đề: Gắn liền với sự giác ngộ của Đức Phật, hạt Bồ đề tượng trưng cho trí tuệ viên mãn.
  • Hạt Kim cang: Biểu tượng cho sự vững chắc và sức mạnh nội tâm, giúp người đeo vượt qua khó khăn.
  • Hạt sen: Đại diện cho sự thanh tịnh và tinh tấn, giúp vượt lên trên khổ đau.
  • Kim loại quý và gỗ quý: Mang đến sự sang trọng, quý phái và giúp tâm trí an định.
  • Đá quý: Tượng trưng cho may mắn, bình an và giàu sang.

Ngoài ra, còn rất nhiều loại hạt khác như xà cừ, đế thích tử, ngà, xích châu, san hô… Mỗi loại hạt đều có một câu chuyện và ý nghĩa riêng, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho thế giới tràng hạt.

Nhìn chung, việc lựa chọn loại hạt nào để làm tràng phụ thuộc vào sở thích và niềm tin của mỗi người. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tràng hạt phải mang lại sự an tâm và giúp chúng ta tập trung vào việc tu tập. Bất kể loại hạt nào, khi được sử dụng với lòng thành kính, chúng đều trở thành một vật phẩm thiêng liêng, giúp chúng ta kết nối với thế giới tâm linh và tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. 

Cách sử dụng chuỗi 108 hạt để niệm Phật. 

Cần lưu ý gì khi sử dụng chuỗi hạt trong quá trình niệm Phật? Cách cầm và tư thế ra sao? Việc sử dụng chuỗi 108 hạt để niệm Phật không chỉ là một nghi thức tôn giáo mà còn là một hành động tu tập sâu sắc. Kể từ hành động cầm chuỗi, tư thế ngồi, và cả tâm thế khi niệm Phật đều ẩn chứa những ý nghĩa riêng biệt. Chúng ta hãy cùng khám phá những thông tin chi tiết sau đây, để sử dụng chuỗi hạt một cách đúng đắn và hiệu quả.

  • Tôn kính trong từng hạt châu: Trong Phật giáo, mỗi hạt châu trên chuỗi niệm đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Mỗi tràng hạt có một hạt gọi hạt mẫu châu (hạt lớn nhất, thứ 109, chỗ giáp nối của vòng tròn) tượng trưng cho Phật A Di Đà, còn sợi dây xâu chuỗi tượng trưng cho Quan Âm Bồ Tát. Việc lần chuỗi không vượt qua hạt mẫu châu thể hiện sự tôn kính đối với hai vị này.
  • Tư thế và tâm thế: Khi niệm Phật, chúng ta nên cầm chuỗi bằng tay trái, đặt các hạt giữa ngón trỏ và ngón cái. Tâm thế cần tập trung vào ba yếu tố là thân, khẩu, ý. Thân lần chuỗi, khẩu niệm Phật, ý quán tưởng.
  • Cách đếm và ý nghĩa các ngón tay: Cách đếm chuỗi cũng có những quy định riêng. Việc sử dụng các ngón tay khác nhau khi niệm các loại chú khác nhau mang ý nghĩa về sự bình an, tăng trưởng, hoặc sức mạnh.
  • Những điều cần tránh: Khi niệm Phật xong, không nên vượt qua hạt mẫu châu. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với quy ước của Phật giáo.

Điều này cũng được thể hiện trong bài Kệ:

Châu biểu thắng quả của Bồ đề,

Nơi trong đoạn dứt hữu vi lậu.

Sợi dây xâu suốt biểu Quán âm,

Mẫu châu biểu tượng Vô Lượng Thọ.

Dùng lần qua khỏi tội vượt pháp,

Đều do niệm châu chứa công đức.

đối với người tu tập chuyên sâu, việc lần chuỗi hạt còn tùy theo từng bộ Kinh mà có cách thức khác nhau, nên tham khảo thêm Tô Tất Địa Kinh (kinh số 893), Nhiếp Chân Thực Kinh (kinh số 868), Đà Na Ni Tập Kinh (kinh số 901) trong Đại Tạng Kinh. Tuy nhiên, những điều này là do trong giới Phật giáo quy định, còn việc niệm chuỗi đối với quan niệm của người bình thường thì có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Có người đeo thật sự là để niệm Phật, có người đeo để trang sức cho đẹp… Có người trước khi niệm Phật đã tìm hiểu kỹ, có người thì tùy ý.

Tóm lại, việc sử dụng chuỗi 108 hạt để niệm Phật là một hành trình tu tập đầy ý nghĩa. Bằng cách tuân thủ những quy tắc cơ bản và giữ một tâm thế thành kính, chúng ta có thể đạt được những kết quả tốt đẹp trong quá trình tu tập.

Kết luận.

Thông qua sự tìm hiểu tại sao lại sử dụng chuỗi 108 hạt, mà không phải con số nào khác, mà Sunflower Academy đã trình bày ở trên. Hy vọng bạn đã nhận ra rằng chuỗi 108 hạt không chỉ là một vật dụng đơn thuần mà còn là một biểu tượng sâu sắc về quá trình tu tập của người Phật tử. Con số 108 tượng trưng cho 108 loại phiền não mà con người phải đối mặt, và việc lần chuỗi là một hành động để vượt qua những phiền não đó. Hy vọng rằng, qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về ý nghĩa của chuỗi 108 hạt và tìm thấy cho mình những điều bổ ích.

a

Everlead Theme.

457 BigBlue Street, NY 10013
(315) 5512-2579
everlead@mikado.com

    User registration

    You don't have permission to register

    Reset Password